Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

thở đúng cách

http://www.sinhvientdt.com/f/showthread.php?p=9920

THỞ ĐÚNG CÁCH ĐỂ CHỮA BỆNH


Lời giới thiệu:
Từ hàng ngàn năm nay, con người đã biết tự chữa bệnh cho mình qua Yoga, Khí công và Thiền học. Tuy nhiên, qua các cánh rừng lý luận bao la đầy vẻ âm u kỳ bí của các pháp môn này đã làm cho nhiều người ngán ngại.
Thực vậy, Yoga có rất nhiều trường phái và các pháp môn khác nhau, từ Hatha yoga, Karma yoga đến Nana và Raja yoga…. Mỗi pháp môn lại có khuynh hướng và công dụng khác nhau. Từ đó, những cách tập với các asanas ( tư thế) cũng khác nhau. Quan trọng hơn cả, về điều tức (cách thở) cũng khác hẳn nhau.
Nào là thở 2 thì, 1 thì, rồi nín hơi, có vẻ đầy phức tạp và rất khó khăn.
Khí công cũng vậy, với thật nhiều trường phái. Nếu chỉ tham khảo qua sách vở và tư liệu đơn thuần, ta sẽ như lạc vào những mê lộ. Các sách viết về Khí công hiện nay rất nhiều, nhưng đa số đều nghiêng về thương mại, từ đơn giản đến nâng cao với nhiều từ ngữ chuyên môn khó hiểu, dễ gây hoa mắt nhức đầu. Lại nghe đâu đó rằng, có thể sẽ gặp phản tác dụng nguy hiểm và bị “ tẩu hỏa nhập ma” nếu tập không đúng cách. Nghe vậy, cái ngán ngại sẽ ban đầu kia sẽ tăng thêm bội phần.
Thiền học cũng không khác. Rất nhiều Pháp môn như: Thiền Trúc lâm, Như lai Thiền, Thiền Tào động, Thiền Lâm Tế, Thiền Vô vi, Đạt ma thiền….Mỗi pháp môn lại có những độc đáo về lý luận và tư tưởng khác nhau. Cách thở cũng không giống nhau tùy mỗi pháp môn, có khi lại trái ngược nhau. Thiền được cho là phát xuất từ Phật giáo, nhưng từ lâu, không phải là độc quyền của Phật giáo, dù vậy các từ ngữ dùng trong Thiền học cũng có nhiều từ chuyên môn, phải rất nhiều quen thuộc với Phật học mới hiểu. Vì thế, cánh rừng lý luận của các pháp môn Thiền lại càng trở nên mênh mông bí hiểm.
Dù vậy, tất cả các pháp môn ấy đều giống nhau ở một điểm chung nhất, đó là coi hơi thở là trọng yếu hàng đầu, hơi thở quyết định sức khỏe và sự sống. Có thể nhịn ăn nhiều ngày cũng không sao, nhịn uống nhiều giờ cũng chưa có gì trầm trọng nguy hiểm, nhưng chỉ ngưng thở 10 phút thì sự cố liền xảy ra và có thể gây mất mạng như chơi.
Yoga cho rằng : 99 % con người hiện nay đều KHÔNG BIẾT THỞ.
Đã sống ai mà không thở, cũng chẳng cần phải học hỏi hoặc tập tành gì nhưng ai cũng thở được. Vậy nói như thế có thể là quá đáng chăng ?
Thực ra, nói như thế chẳng có gì là quá đáng cả, vì Yoga chỉ muốn nói rằng mọi người KHÔNG BIẾT THỞ ĐÚNG CÁCH mà thôi. Vì nếu biết thở đúng cách, con người sẽ đạt được nhiều điều kỳ diệu. Ở đây không nói đến những điều gì cao siêu hoặc kỳ bí lạ lùng như các sách vở hoặc truyện kiếm hiệp thường mô tả, chỉ xin nói một điều rất gần gũi và thực tế rằng, nếu biết thở đúng cách, sức khỏe sẽ được cải thiện một cách đầy bất ngờ kỳ diệu và sẽ chữa khỏi được bệnh tật.
Nhưng thật may mắn và quý báu rằng, những kinh nghiệm này đã được hệ thống hóa một cách đơn giản, dễ hiểu, nhờ một Bác sĩ. Điều ấy đã giúp hóa giải những trở ngại đã nói ở trên.
Một Bác sĩ bệnh nhân, viết về một Bác sĩ bệnh nhân khác. Chỉ nhờ BIẾT THỞ ĐÚNG CÁCH, cả hai vị đã trở thành các bệnh nhân đầy kinh nghiệm và cùng khỏi bệnh, để sau đó, đã hết sức tâm đắc với VIỆC THỞ và thiết tha mong muốn truyền đạt lại cho người khác, và cả hậu thế sau này như một công trình tâm huyết nhất trong suốt cuộc đời của mình.
Dưới đây, xin được giới thiệu về những kinh nghiệm ấy của Bác sĩ Đỗ hồng Ngọc viết về phương pháp thở của Bác sĩ Nguyễn khắc Viện. Hai Bác sĩ và cũng từng là hai “cựu bệnh nhân “ đã được khỏi bệnh chỉ nhờ biết thở đúng cách.
Xuân Thái


THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH

BS. ĐỖ HỒNG NGỌC
Nguyễn Khắc Viện là một Bác sĩ, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học ĐH Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở BV Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó, bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948, ông phải chịu mổ bảy lần, cắt bỏ tám cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.. Các bác sĩ Pháp bảo, ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra phương pháp... thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới mất (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, hoạt động tích cực, năng nổ trong nhiều lĩnh vực. Chuyện khó tin nhưng có thật!
Tôi may mắn được quen biết ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy. Ông là bác sĩ, đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm. Ông là cố vấn của bộ môn tâm lý-xã hội học do tôi phụ trách tại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, (nay là ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ngay từ hồi mới thành lập (1989). Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy, và nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học.

Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền lạc trên ngực ông. Lần khác ông lại cao hứng vén bụng bảo tôi thử đánh mạnh vào bụng ông xem sao. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bỉ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc... thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa "dung tích sống" như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ông cười "tiết lộ" với tôi, những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi... thở, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt. Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ, mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông.
***
Trước kia, tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng.
Quả thật, có lắm điều kỳ diệu!
Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khỏe phục hồi tốt hơn. Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc, nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ... dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình.
Và cho đến hôm nay, khi đã hoàn toàn bình phục, thở có phương pháp đã thành một quán tính tự nhiên từ lúc nào tôi cũng không thể nhớ rõ. Xin ghi lại đây, như một sự biết ơn, về chuyện “thở” với nguyện ước rằng, sẽ có nhiều người “biết thở” đúng phương pháp, để nhờ đó có thể tự chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho mình.
Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là cái gì hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của Khí công, Thiền, Yoga, Dưỡng sinh... của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.
Dưới đây là bài vè 12 câu dạy thở của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:
Thót bụng thở ra
Phình bụng hít vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào

Bình thường qua
mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu
cũng được
Lúc nào cũng được!
BS Đỗ Hồng Ngọc

Nói thêm về "thở để chữa bệnh"


Nhiều độc giả đã viết thư hỏi thêm về thở để chữa bệnh. Có người bảo sau hai tháng “tập luyện” đã thấy có kết quả tốt, dễ ăn, dễ ngủ, bớt căng thẳng và sảng khoái hơn, sức khỏe có tốt hơn, ít bệnh vặt hơn.
Có người hỏi cụ thể phải tập ngày mấy lần, mỗi lần mấy phút; có người hỏi phải ngồi ở tư thế nào v.v... Một độc giả ở tận Hà Tiên, 47 tuổi, nói nhờ có người bạn gửi cho bài báo này, nên đã thử tập thở hai tháng nay thấy khỏe hơn, nhưng sao mỗi lần tập chừng nửa giờ thì thấy choáng váng, tê rần, phải nghỉ năm phút mới hết...
Trước hết, cần nhớ rằng thở là chuyện bình thường. Ai cũng phải thở, lúc nào cũng phải thở và ở đâu cũng phải thở, nên đâu có cần phải giờ giấc, tư thế nọ kia.
Thực ra, thở bụng là cách thở sinh lý, tự nhiên nhất, trời sinh ra đã vậy rồi, không cần phải tập luyện gì cả. Cứ quan sát một bé đang ngủ ngon lành thì biết: nó thở đều đều, nhẹ nhàng, và... thở bằng cái bụng!
Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống thôi. Thở bụng là cách thở tự nhiên không chỉ của người mà của... mọi loài. Thử quan sát con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương... thì biết. Nó thở bằng bụng. Chỉ có cái bụng nó là phình ra xẹp vào đều đều thôi. Ấy là do cơ hoành (hoành cách mô) là cơ chính của hệ hô hấp. Chỉ cần cơ hoành nhích lên nhích xuống chút xíu là đã đủ cung cấp khí cho cơ thể rồi. Khi mệt, cần nhiều oxy hơn thì cơ hoành sẽ “thụt” mạnh hơn, nhanh hơn thế thôi.
Tóm lại, nhớ rằng thở bụng là thở theo sinh lý, tự nhiên, không cần phải “tập luyện” vất vả gì cả, không cần phải giờ giấc, tư thế gì cả. “Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được là vậy.
Thứ hai là không nên ráng sức. Chỉ cần chuyên cần, kiên nhẫn để tạo thành thói quen tốt. Ráng sức, muốn cho mau thành công thì sẽ dẫn đến... thất bại vì choáng váng, chóng mặt, tê rần...
Tại sao vậy? Tại vì đã ráng sức, cố ép, thì sẽ gây rối loạn sự điều hòa tự nhiên của cơ thể. Cho nên người “ham” quá, ráng “luyện công” quá, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Ta thở bụng là để có sức khỏe, không phải để luyện nội công, để trở thành “chưởng môn nhân” của một phái võ nào đâu.
Người có tuổi, người bệnh mạn tính càng không nên ráng. Nhưng phải kiên trì, như đã nói, phải chừng sáu tháng mới quen, mới thấy hiệu quả. Nếu đang chữa bệnh nào đó (tăng huyết áp, tiểu đường...) thì vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thở bụng cũng như ăn uống, vận động đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.
Thứ ba, luôn nhớ mình đang thở. Theo dõi luồng hơi thở ra, hơi thở vào sẽ rất tốt. Chưa quen thì đặt bàn tay lên bụng, thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống theo từng nhịp thở là được. Lâu nay ta thở một cách phản xạ, vô thức. Nếu ta thở mà có ý thức, biết mình đang thở, theo dõi sát nó thì sẽ giúp ta... quên mọi thứ chuyện khác.
Nhờ vậy, Tâm ta được tĩnh lặng. Tâm mà lăng xăng, dao động, nhiều ưu phiền, giận dữ... sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, làm ta kiệt sức, “thở không ra hơi”!
Đằng sau chuyện thở bụng còn nhiều điều hay.
BS Đỗ Hồng Ngọc
Còn lắm điều hay!

Anapanasati, quán niệm hơi thở, hay “An-ban thủ ý”, còn được gọi là “nhập tức xuất tức niệm” là một kỹ thuật thiền tập căn bản có bí quyết ở chỗ theo dõi luồng hơi thở vào và hơi thở ra.
Trong bài vè tập thở bụng có hai câu: “Tập trung theo dõi/Luồng ra luồng vào” chính là nói đến điểm này.
Chỉ cần thế thôi mà thực hiện cho đúng (không dễ chút nào!) cũng đủ làm cho ta vui, khỏe, hay nói cách khác là “thân tâm thường an lạc” như cách người ta hay chúc nhau bây giờ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chọn hơi thở để quán sát (quan sát)? Chọn hơi thở để quan sát thì có gì là hay?
Có đó.
Trước hết, hơi thở nó nằm chình ình ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình nên rất dễ quan sát!
Lúc nào ta cũng phải thở, ở đâu ta cũng phải thở nên có thể quan sát liên tục.
Quan sát hơi thở còn có cái lợi nữa là không ai trông thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi. Hơi thở rất nhạy với cảm xúc. (Tâm)
Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”.
Lúc lo âu, ta hổn hển.
Lúc sảng khoái, ta lâng lâng.
Lúc sợ hãi, ta cà giựt.
Muôn hình vạn trạng.
Nhờ đó mà ta biết được cái Tâm ta.
Thở lại gắn liền với hoạt động cơ bắp(,Thân) khi mệt, ta mệt “bở hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi!
Do vậy mà ta quan sát được cái thân ta. Nói khác đi, hơi thở chính là một sợi dây nối kết giữa Thân và Tâm.
Muốn kiểm soát Thân Tâm thì phải dùng đến “sợi dây” này vậy.

Hiện tượng hô hấp thực ra không xảy ra ở phổi mà ở trong từng tế bào.
Ở các sinh vật đơn bào, trao đổi khí trực tiếp qua màng tế bào, một cách đơn giản.
Con người phải thở qua phổi nhưng vẫn trao đổi khí trực tiếp ở từng tế bào nhờ hệ thống mao mạch.
Hô hấp diễn ra trong từng tế bào, tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và tồn tại. Trong đó hoạt động cơ bắp đã chiếm hết gần một nửa.
Riêng não bộ, với trọng lượng rất nhỏ, chỉ khoảng 2% thể trọng nhưng đã tiêu dùng đến 30% khối lượng Oxy đưa vào cơ thể.
Giận dữ, lo âu, sợ hãi
tiêu tốn rất nhiều năng lượng, nên ta dễ cảm thấy kiệt sức, rã rời là vậy!
Ngủ là cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao.
Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc.
Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ.
Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy nhẹ nhàng sảng khoái.
Phổi như một cái máy bơm, “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi.
Khi áp suất âm trong phổi thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi và các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Lúc áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không (0) thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một.
Ở đây ta chỉ đề cập góc độ sinh y học, bởi còn nhiều điều không sao nói hết trong lãnh vực tuệ giác, tâm linh.
Thả lỏng toàn thân, làm cho toàn thân không còn căng cứng nữa và hoạt động vỏ não cũng đã trở nên tĩnh lặng rồi, thì tiêu hao năng lượng giảm đi một cách đáng kể, do đó không đòi hỏi nhiều dưỡng chất cung cấp bởi thức ăn.
Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ khổ.
Tóm lại, “còn lắm điều hay” là vậy!
BS Đỗ Hồng Ngọc

Thở đúng cách
http://vietbao.vn/The-gioi-giai-tri/Tho-sau-song-khoe/50749288/403/

Một người thở đúng cách có nghĩa là đưa được lượng oxy hữu ích vào phổi càng nhiều càng tốt và tống ra được càng nhiều càng tốt khí CO2, giảm bớt được khối không khí chết trong đáy phổi. Máu đen chuyển hóa thành máu đỏ, oxy tăng lên...
Bạn có thể khá ngạc nhiên về những chuyện khó tin nhưng có thật. Ví như, ai cũng biết oxy là sự sống, không có oxy con người không sống được quá 10 phút. Vậy mà từng có một yogin (đạo sĩ Yoga) người Ấn Độ đồng ý để cho người ta đặt mình vào quan tài chôn xuống đất hàng chục ngày mà vẫn sống khi được đưa lên.
Vì sao vậy? Vì yogin đó biết thở, có nghệ thuật cao cường làm tăng hiệu ích của sự thở, tận dụng được tối đa chút không khí trong chiếc quan tài chật hẹp. Khi được hỏi nhờ vào bí quyết gì mà ông có thể sống và làm việc trí óc, sáng tạo qua tuổi 80 chỉ bằng một phần sáu lá phổi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đáp rằng, đó là do ông "biết thở".
Ông còn nói thêm: "Nếu biết thở đúng cách, một người ngồi trong toilet vẫn có thể đưa vào cơ thể lượng oxy không thua gì, nếu không nói là hơn một người không biết thở đứng giữa cánh đồng hay trên bãi biển". Tất nhiên, chúng ta hiểu ý của ông là, nếu một người trên bãi biển mà thở đúng cách thì hiệu quả còn cao hơn nhiều.
Thở đúng cách
Trước hết, ta hãy hiểu những kiểu thở không đúng cách. Nói chung, một người bình thường, không học thở và cũng chẳng có ý thức về thở, nghĩa là thở theo bản năng trời sinh ra thế nào thở thế ấy, thường thở 16 lần trong một phút.
Vì thở 16 lần nên những người này không thở được sâu mà chỉ là "thở nông". Mỗi lần thở ra như vậy họ tống ra ngoài được 0,5 lít CO2 và cũng hấp thu được chừng ấy oxy lúc thở vào. Vậy mà, trong khi đó phổi của một người trung bình có dung tích nói chung là 3 lít. Vậy là người thở theo bản năng tự nhiên luôn luôn có đến 2,5 lít không khí xấu, thậm chí rất xấu ứ đọng trong phổi. Bác sĩ gọi đó là lượng không khí chết.
Một người thở đúng cách (chủ yếu là phương pháp thở phương Đông như Yoga hay Cốc Đại Phong, phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện...) có nghĩa là đưa được lượng oxy hữu ích vào phổi càng nhiều càng tốt và tống ra được càng nhiều càng tốt khí CO2, giảm bớt được khối không khí chết trong đáy phổi. Làm được điều đó bạn sẽ tăng đáng kể việc chuyển hóa máu đen thành máu đỏ và tăng cường oxy, nguồn sống cho con người.
1. Tần số thở: không phải 16 lần/phút mà chỉ 4 lần/phút, nghĩa là mỗi lần hít vào thở ra, kể cả ngưng lại vài giây cho máu kịp lấy oxy là 15 giây.
2. Cách thở:
 Hít vào bằng mũi từ từ, khoan thai, khi phổi đã đầy, không vươn tay (như cách thở phương Tây) để mở rộng phổi vì phổi không thể mở rộng lên phía trên do bị xương đòn gánh chốt lại mà chỉ có thể mở xuống phía dưới.
Bạn phải điều khiển hạ hoành cách mô xuống để mở rộng dung tích của phổi. Rồi ngưng lại 1 giây cho máu kịp lấy oxy. Nhớ là ngưng lại không hít vào chứ không phải đóng van khí quản vì làm thế có thể tăng áp lực trong phổi, gây xung huyết.
Thở ra bằng cách đẩy hoành cách mô lên phía trên, dùng nội lực nhíp hậu môn để đuổi hết không khí đọng ra ngoài càng nhiều càng tốt. Khi hết không khí trong phổi cũng ngưng lại một giây, sau đó lại thở vào, lặp lại chu kỳ. Tất cả ra vào, hai lần nghỉ là 15 giây.
3. Thiền trong khi thở: Chúng ta có thể cho tay chân nghỉ ngơi khi chúng mệt mỏi. Nhưng hầu như không bao giờ cho bộ óc được nghỉ, kể cả trong khi ngủ vì trong giấc ngủ, người ta vẫn có ác mộng v.v. Thiền ở mức độ đơn giản là cho bộ óc của bạn được nghỉ ngơi song song với việc thở.
Ai cũng nói thiền là rất khó, bởi vì khó mà đuổi ra khỏi bộ óc chúng ta những suy nghĩ vẩn vơ. Cách thô sơ nhất là bạn hãy tưởng tượng luồng không khí bạn đang thở vào có màu gì đó, màu đỏ chẳng hạn và bạn để trí óc theo dõi luồng không khí ấy, kể cả khi bạn thở ra đưa nó ra ngoài. Trong thời gian ấy bộ óc của bạn không nghĩ điều gì khác là theo dõi luồng không khí đã được bạn nhuộm màu ấy.
4. Thở vào lúc nào? Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chỉ còn 1/6 lá phổi nên ông thở sâu suốt ngày mỗi khi ông thức để cung cấp đủ oxy cho bộ óc và cơ thể. Đó là kết quả cả một quá trình luyện tập lâu dài. Chúng ta, nếu chưa tập thì chưa thở được như thế.
Lúc mới nhập môn "đạo thở sâu", bạn chỉ cần để ra mỗi ngày nửa giờ tập thở kết hợp với tập thể dục tĩnh, ngồi thiền. Sau đó tăng dần thời gian lên để hình thành một cơ chế, một thói quen, bạn thở 4 lần trong một phút thường xuyên thì rất tốt.
Thở sâu đúng cách một thời gian sẽ thấy những hiệu quả rõ rệt:
1.   Dung tích không khí chết giảm hẳn, lượng không khí trao đổi tăng dần từ 0,5 lít đến 1,5 lít rưỡi và có thể đến 2,5 lít. Dung tích tuyệt đối của phổi cũng được mở rộng lên nhiều, đã có người nâng từ 3 lên đến 5 lít sau một hai năm thở sâu đúng cách.
2.   hoành cách mô(mô bung) được điều khiển lên xuống thường xuyên sẽ kéo theo sự chuyển động các nội tạng phía dưới như ruột, gan, lá lách và dạ dày. Thở sâu cũng đồng thời tập thể dục cho nội tạng.
3.   Nhịp thở điều hòa cùng với thư giãn trí óc dẫn tới tác dụng rất tốt cho sự hài hòa cơ thể, cả thể xác lẫn tinh thần, đó là yếu tố quan trọng bậc nhất với sức khỏe con người.
4.   Chúng ta không đi sâu vào những khía cạnh tinh vi, phức tạp khác của việc thở sâu kết hợp thiền hay tập dưỡng sinh của những môn phái khác nhau của phương Đông.Nhưng chắc chắn một điều, nếu chỉ biết thở không thôi, bạn đã có thể giải quyết được những vấn đề cơ bản của sức khỏe. Đó là nhận xét của đa số các nhà dưỡng sinh học. Và cùng với những hoạt động khác, thở sâu sẽ đưa lại những hiệu quả không ngờ , nhất là đối với những bệnh mãn tính và béo phì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét