Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

DANH GIÁ




1.       DANH GIÁ
TTCT - Bá tước Attilio Fossadoro, 74 tuổi, chánh án tòa thượng thẩm về hưu, có thân hình vạm vỡ nhưng một buổi tối thấy trong người không khỏe vì ăn uống quá nhiều.
Minh họa: Hoàng Tường
“Tôi cảm thấy nặng nề“. Ông nói thế trước khi đi ngủ.
“Biết ngay mà - bà vợ Eloisa càu nhàu - Thấy ông ăn là biết sẽ có chuyện. Ông còn tệ hơn con nít!”.
Ông chánh án nằm phịch người xuống giường, há hốc miệng nhưng không thèm trả lời thêm nữa.
Ông bị mệt bởi uống nhiều rượu vang Barolo hay thật sự bị bệnh? Ông thở hổn hển mặc tình người ta gọi, lắc vai hay phun nước lên mặt. Không kết quả.
Thế là mọi người nghĩ ngay đến tình trạng xấu nhất. Bà Eloisa liền gọi ngay ông Albrizzi, bác sĩ gia đình.
Khoảng quá nửa đêm ông này tới. Sau khi quan sát, bắt mạch rồi đo huyết áp cho bệnh nhân... thái độ của ông có vẻ hoang mang. Tuy ông nói năng nhẹ nhàng và thân thiện nhưng cách thức và bộ điệu của ông làm cho người nhà cảm nhận là chẳng có gì tốt lành.
Trong một phòng khách kế bên, ông bác sĩ, bà Eloisa và hai người con Ennio và Martina vừa được gọi đến, cùng nhau thì thầm.
Kết luận chung là tình trạng rất ư nguy kịch. Sau đó tất cả đều đồng ý nên tham khảo ý kiến của vị bác sĩ lừng danh nhất, một thầy thuốc nổi tiếng thế giới. Năm nay tuy đã 83 tuổi nhưng giáo sư Sergio Leprani là một nhân vật có uy quyền trong giới y khoa, dĩ nhiên thù lao cho ông cũng phải rất đắt. Nhưng về mặt chi phí thì chẳng có gì làm cho gia đình Fossadoro phải lo ngại.
“Khi nào gọi à? Gọi ngay đi“ - bà Eloisa ra lệnh.
“Đâu được, giờ này có gọi ông ta cũng chẳng đến. Tôi tin chắc là thế!”.
“Nhưng gọi để chữa cho bá tước Fossadoro thì ông ta sẽ đến. Cứ gọi đi! Ông có muốn đánh cược với tôi không, bác sĩ Albrizzi?”.
Đúng như thế. Họ gọi điện bằng cái giọng khẩn cấp và quyết liệt đến nỗi làm đảo lộn mọi quy luật thép của nhà chuyên môn.
Giáo sư Leprani đến vào lúc hai giờ sáng cùng với bác sĩ trợ lý thân cận, giáo sư Giuseppe Marasca.
Khi vị thầy thuốc lừng danh này bước đến giường bệnh thì hình như bá tước Fossadoro đang thở hổn hển một cách nặng nhọc và tình trạng có vẻ trầm trọng hơn trước đó.
Giáo sư ngồi bên cạnh giường và ghi chú tất cả các số liệu mà bác sĩ trợ lý Marasca đang thực hiện và cung cấp: tuổi tác, thói quen, thân nhiệt, nhịp tim, huyết áp, phản xạ...
Khuôn mặt thản nhiên, hai mí mắt hơi trễ xuống như đang tập trung suy nghĩ (hay ông vẫn còn đang ngái ngủ?), giáo sư Leprani im lặng lắng nghe và không bình luận gì.
Cuối cùng thì bác sĩ Marasca cúi đầu, áp miệng vào tai giáo sư “Thưa thầy!” bằng một giọng khá lớn làm mọi người hơi bất ngờ, nhất là trong tình huống và giờ khắc đặc biệt đó.
Thói thường, trong gia đình, người lớn thì ít khi sai, còn trong một cộng đồng lớn hơn, chân lý rất hay thuộc về kẻ có tiền hoặc có quyền. Và khi có thâm niên quyền lực thì người ta muốn mình đúng bằng mọi giá, muốn chân lý như một cây búa trong tay mình.
Các nhân vật ở đây bị đặt vào một tình huống khôi hài cố ý. Nói nghịch lý cũng không ngoa. Câu chuyện nhiều ẩn dụ, độc đáo và ly kỳ. Nhà văn đã đẩy người đọc vào một cánh cửa để thấy bên trong là đời sống thường nhật bí ẩn để rồi khi đi xuyên qua và thoát ra, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng và gật gù với dụng ý nghệ thuật của tác giả. Mỗi người đều muốn luận ra, khái quát hơn và tủm tỉm với những điều mình vừa tự phát hiện bằng nhãn quan xã hội của chính mình. Chuyện xưa nhưng không cũ.
Dino Buzzati có Sa mạc Tartari (1940) được dịch ra nhiều thứ tiếng và khiến ông trở thành một trong những tên tuổi lớn của văn đàn nước Ý thế kỷ 20. Nhiều truyện dài của ông đã được chuyển thành kịch bản sân khấu, phát thanh và truyền hình nhờ trải nghiệm của đời làm báo trước khi viết văn.
Ông viết nhiều tiểu thuyết nhưng rất yêu thích truyện ngắn. Chủ đề quen thuộc của Buzzati là những ám ảnh và nỗi bất an của kiếp người, sự chạy trốn thời gian và định mệnh, sự sợ hãi đối với hư vô, sự mong manh của tình yêu và bí ẩn của nỗi đau và cái ác.
DẠ NGÂN
Giáo sư Leprani khẽ giật mình, sau đó ba vị bác sĩ yêu cầu người nhà ra ngoài để họ có thể hội ý riêng.
Cuộc hội chẩn không kéo dài hơn ba phút.
Khi họ bước ra thì bà bá tước hồi hộp hỏi:
“Thế nào, thưa giáo sư?”.
“Thưa bà, xin bà hãy kiên nhẫn! Khi nào có thể, bà sẽ được bác sĩ gia đình thông báo mọi chuyện“.
Vừa nói ông vừa lắc lư bước vào thang máy để ra về.
Bác sĩ Albrizzi bù lại không để mọi người phải hồi hộp chờ đợi. Bằng tất cả thận trọng ông ta thông báo nhận định của vị bác sĩ lừng danh: bị nghẽn mạch máu não, tình trạng rất xấu và chẳng có hi vọng gì, bệnh nhân chỉ có thể sống tối đa thêm một tuần nữa!
Nhưng sáng hôm sau, khi bác sĩ Albrizzi đến biệt thự của gia đình Fossadoro để hỏi thăm tin tức thì ông vô cùng kinh ngạc. Ida, người giúp việc, miệng chúm chím cười khi mở cổng cho ông:
“Tốt lắm, thưa bác sĩ, tất cả rất tốt! Ngay lúc đầu tôi cũng đã nghi như thế, nhưng chẳng dám có ý kiến trước các vị bác học ngành y. Chỉ do uống nhiều rượu thôi mà”.
Vừa lúc đó thì người bệnh xuất hiện, trẻ trung, kẻ bị cho là sắp về bên kia thế giới.
“Cảm ơn ông nhiều nhé bác sĩ Albrizzi, về tất cả sự quan tâm và tận tình chăm sóc tối hôm qua. Tôi rất tiếc... Tôi biết, tôi biết là có nhiều chuyện mà người ta không nên làm, nhất là ở tuổi này”.
“Nhưng ông khỏe chứ? Ông thấy trong người thế nào?”.
“Thật ra cái đầu cũng hơi choáng, còn tất cả hoàn hảo. Trong những trường hợp như thế này thì chẳng có gì tốt hơn là một giấc ngủ sâu”.
Kinh ngạc. Nhưng cũng là một vụ xìcăngđan. Trợ lý thân tín của giáo sư Leprani, ông Marasca, vô cùng tức giận khi nghe bác sĩ Albrizzi thông báo về sự “tái sinh” của bá tước Fossadoro:
“Vô lý! Không thể chấp nhận được! Giáo sư Leprani không nhận định sai, không bao giờ, không thể! Này, Albrizzi, ông có biết chuyện gì sẽ xảy ra không? Mới tháng trước đã xảy ra một vụ nhầm lẫn và nếu vị thầy vĩ đại chưa bị đứng tim thì chính là nhờ phép lạ. Tuy thế thầy vẫn phải nằm sáu ngày trên giường bệnh. Vậy thì nếu lại một vụ nhầm lẫn nữa xảy ra tôi chắc thầy sẽ tiêu đời luôn. Ông hiểu ý tôi chứ? Còn việc này nữa, ông là bác sĩ gia đình, hiểu hết mọi thói quen, làm thế nào mà ông không hiểu rằng đó chỉ là một cơn say xỉn?”.
“Còn ông? Vậy còn ông thì sao?”.
“Tôi hả? Lúc đầu tôi cũng hơi nghi nghi, xin thề với ông như thế. Nhưng ông hãy thử nói điều gì trái ý với thầy đi, ông cũng biết rõ tính khí của ông ấy mà. Còn bây giờ thì thầy đã huỵch toẹt khắp nơi về việc bá tước Fossadoro sắp chết rồi!“.
“Chết chửa? Vậy thì phải tính làm sao?“.
“Ông nghe đây, đối với thầy thì mọi người phải một lòng tôn kính, ông hiểu không? Tất cả đều phải tôn kính! Tôi sẽ phải đích thân đến nói chuyện với bà bá tước”.
“Nói chuyện gì?”.
“Để tôi tính! Tôi sẽ thu xếp mọi việc!”.
***
Ông Marasca, một tay lươn lẹo có tầm cỡ từ những ngày còn học đại học, đã đến nói thẳng với bà Eloisa:
“Đang xảy ra một điều cực kỳ hệ trọng. Giáo sư Leprani nhận định là ông nhà phải chết trong một thời gian ngắn nhưng người bệnh vẫn đi đi lại lại trong nhà như chẳng có việc gì. À, sáng nay ông nhà có đi ra phố chưa vậy?”.
“Dạ thưa... thật ra là...“.
“Chúa ơi, thật là tai họa. Tất cả danh tiếng của một vị giáo sư lừng danh sẽ phải chôn vùi như thế hay sao? Chúng ta tuyệt đối không thể để việc này có thể xảy ra!”.
“Vậy, thưa giáo sư, ông khuyên chúng tôi phải làm thế nào?”.
“Trước hết bà phải khuyên ngài bá tước đi nằm, cố gắng thuyết phục là ngài vẫn còn bệnh, trầm trọng”.
“Xin lỗi giáo sư, nhưng ông nhà tôi thấy đã khỏe rồi!”.
“Không, thưa bà bá tước, tôi không bao giờ ngờ có một sự phản đối như thế từ bà. Bà vẫn chưa hiểu hết sự tế nhị của tình hình sao? Cả một đời thầy tận tụy và hi sinh cho người bệnh, một danh tiếng lẫy lừng chẳng lẽ phải bị chôn vùi dưới bùn nhơ sao?”.
“Nhưng tại sao bác sĩ không trực tiếp nói chuyện và thuyết phục ông nhà tôi?”.
“Xin Chúa chứng giám. Ở tuổi này người ta càng ham sống và càng thấy gắn bó với cuộc đời... Đó là chưa kể, xin bà tha lỗi nhé, còn danh giá của gia đình Fossadoro nữa... Bà nghĩ sao nếu mọi người biết chuyện một ông thẩm phán nghiêm khắc, thuộc dòng dõi quý tộc bỗng trở thành đề tài đàm tiếu... như một gã cùng đinh say xỉn?”.
“Này giáo sư, tôi không cho phép ông...”.
“Xin lỗi bà bá tước, nhưng trong trường hợp này chúng ta không nên khách sáo. Và chúng ta cần phải cứu lấy danh dự cho giáo sư Leprani bằng mọi giá”.
“Vậy thì ông nhà tôi phải làm sao? Biến đi hay tự sát?”.
“Đó là chuyện của ông bà, thưa bà bá tước. Còn về phía tôi, xin lặp lại: giáo sư Leprani không bao giờ sai, cả lần này cũng thế! Hừm, cần phải tôn trọng người danh tiếng chứ!”.
“Tôi không biết, tôi chưa hiểu... Nhưng tùy giáo sư, tôi cũng chẳng muốn làm trái ý ông...”.
“Tốt lắm, thưa bà. Thật ra trong thâm tâm tôi đã mong đợi điều này vì biết bà là người có ý thức, luôn nêu cao uy tín xã hội và quyết tâm giữ gìn danh giá cho dòng họ... Và nghĩ cho cùng thì cũng là một điều đơn giản thôi, thí dụ chỉ cần cho ăn một món gì đó thích hợp... và ông bá tước chồng bà,... ừm, chắc chẳng nghi ngờ gì...”.
“Nghĩa là sao, thưa ông?”.
“Nghĩa là không có bất kỳ ai có thể phủ nhận ý kiến của giáo sư Leprani. Thầy đã tuyên bố một tuần. Có thể chấp nhận rằng thời hạn này có sự xê xích đôi chút, nhưng sai số không thể lớn hơn. Bà thấy đấy, tôi cũng là một người biết điều và dễ thông cảm đó chứ. Nhưng đám tang nhất định phải cử hành trong vòng 15 ngày nữa!”.
Vậy là guồng máy bảo vệ danh dự hàn lâm đã được vận hành và nó đã vận hành một cách khẩn trương.
Giáo sư Leprani hỏi bác sĩ trợ lý:
“Lão bá tước già sao rồi? Vẫn còn sống nhăn răng hử?”.
“Thầy đã nói rồi. Tất cả như dự kiến. Giờ này thì lão sắp chạm mũi chân sang thế giới bên kia rồi”.
***
Tại biệt thự của gia đình Fossadoro, bằng những cái cớ hợp lý (khí lạnh, gió máy, độ ẩm, khói bụi ô nhiễm...) người ta giữ kín ông bá tước già trong phòng bệnh. Kết quả định bệnh của giáo sư Leprani lúc này đã lan truyền khắp thành phố.
Bao nhiêu cuộc điện thoại gọi đến: các văn phòng hậu sự đề nghị việc chọn quan tài, việc khâm liệm tử thi và các nghi thức tang lễ; bác sĩ quận gọi để nói về giấy khai tử; ông cha xứ chuẩn bị phép xức dầu cuối cùng; học viện mồ côi tỏ ý tham dự lễ tang; cửa hàng bán hoa định biếu mấy vòng hoa. Nhưng ông bá tước thật ra vẫn khỏe mạnh như một con dê.
Đến ngày thứ 14 thì giáo sư Leprani bắt đầu có những dấu hiệu hốt hoảng và bực tức.
“Cái lão già mắc dịch ấy vẫn chưa chịu quyết định sao? Cần phải tiêm một mũi giảm huyết áp”.
Ngay chiều đó, với hai tròng mắt đỏ như máu, giáo sư Marasca được tháp tùng bởi hai bác sĩ trợ lý nữa, đã cải trang thành hai đầu bếp, đi đến biệt thự của gia đình Fossadoro rồi họ chiếm lĩnh nhà bếp của gia đình. Tối hôm đó gia đình có tổ chức buổi lễ bổn mạng của đứa cháu gái. Trong thực khách được mời dĩ nhiên có cả bác sĩ Marasca.
Kế hoạch được thực hiện một cách hoàn hảo. Xúc cảm được kiềm chế đến mức tối đa. Thế là lúc dọn món tráng miệng, khi bá tước Attilio Fossadoro vừa cắn miếng bánh ngọt đầu tiên, ông ta ngã lăn ra, trên môi vẫn còn giữ nụ cười hạnh phúc như vài giây trước đó.
Ngay sau đó Marasca gọi điện cho vị thầy thuốc lừng danh:
“Một lần nữa xin chúc mừng ngài. Vừa mới đây thôi, tim của bá tước đã ngừng đập!”.
TRƯƠNG VĂN DÂN (chuyển ngữ từ nguyên tác)
Truyện ngắn của DINO BUZZATI (Ý)
email
email
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoobuzz_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/digg_48.png
top
(0)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét